Đầu vào phải ký kết, đầu ra phải chứng nhận- đó là hướng đi được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Thương mại – Dịch vụ hữu cơ Hoàng Nguyên ở xã biên giới Thuận Hà (Đắk Song) xác định để phát triển bền vững và bước đầu mang lại hiệu quả.

Tập hợp nông dân trồng hồ tiêu hữu cơ

Trên địa bàn huyện Đắk Song có lợi thế về đất đai, khí hậu và đây cũng là cây trồng đang được chính quyền xây dựng thương hiệu, HTX chọn phát triển hồ tiêu hữu cơ khởi đầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tháng 5 năm 2018, HTX Hoàng Nguyên được thành lập, tập hợp 35 thành viên tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ và đến nay đã tăng thêm 6 thành viên.  HTX hiện có hơn 100 ha hồ tiêu hữu cơ được cấp chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản.

Bà Trần Thị Thu – Giám đốc HTX đang kiểm tra chất lượng sản phẩm
hồ tiêu hữu cơ trước khi đóng gói để xuất khẩu

Vào thời điểm HTX được thành lập, giá hồ tiêu trên thị trường xuống thấp kèm theo đó là bệnh hại xảy ra trên diện rộng làm cho người trồng như “ngồi trên đống lửa” và đối mặt với việc “trắng tay”. Nhiều nông dân nghe nói đến hồ tiêu là nản nhưng Ban Giám đốc HTX nghĩ cần phải có hướng tháo gỡ và quyết tâm cùng nhau trồng hồ tiêu hữu cơ. Anh Vũ Văn Thủy là một trong những nông dân đầu tiên của HTX tham gia trồng hồ tiêu hữu cơ và hiện là Phó Chủ tịch HTX Hoàng Nguyên chia sẻ: Trên cơ sở kinh nghiệm trồng hồ tiêu của nông dân, chúng tôi tìm hiểu quy trình kỹ thuật trồng hồ tiêu hữu cơ và tập huấn cho các thành viên HTX. Điều quan trọng nhất đối với nông dân khi trồng hồ tiêu hữu cơ đó là phải tuân thủ quy trình và có sự giám sát chặt chẽ lẫn nhau. Đến nay, bà con trồng hồ tiêu hữu cơ đều đạt năng suất trên 6 tấn/ha. Người nông dân thường nghĩ bón nhiều phân, thuốc bảo vệ thực vật là tốt nhưng thực tế gây dư thừa, cây không hấp thụ hết và làm keo đất, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, sức khỏe. Chúng tôi tìm hiểu có những hộ mỗi năm bón tới 10 kg phân bón các loại vào mỗi gốc hồ tiêu nhưng năng suất không cao, thậm chí vườn cây bị chết nhiều. Gia đình tôi trồng hồ tiêu hữu cơ nếu mỗi cây hồ tiêu cho 8 kg hạt thì chỉ bón 1 kg phân nhưng tăng lượng nấm đối kháng để phân hủy những chất khó tiêu. Bây giờ thì nhiều nông dân đã thấy được lợi ích trồng hồ tiêu hữu cơ và tham gia sản xuất vì “đầu vào phải ký kết và đầu ra được chứng nhận”.

Anh Nguyễn Văn Hữu ở thôn 7, xã Thuận Hà cũng cho biết: Gia đình tôi có 3 ha hồ tiêu hữu cơ. Qua 2 năm trồng cho thấy năng suất đạt từ 6-7 tấn/ha, trung bình 1 cây từ 7-8 kg. Chúng tôi làm hồ tiêu hữu cơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hóa học và các chất cẩm vừa bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe. Hồ tiêu trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ chi phí rẻ hơn trồng bình thường. Mỗi năm 1 ha hồ tiêu bón khoảng 10 tấn phân bò tương đương 30 triệu đồng, phát 4 đợt cỏ. Giá thị trường hiện khoảng 37 triệu đồng/tấn tiêu đen xô nhưng hồ tiêu hữu cơ của HTX chúng tôi được thị trường các nước đòi hỏi tiêu chuẩn hàng hóa chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu mua với giá từ 65-80 triệu đồng/tấn.

Thành công bước đầu

  Mặc dù mới hoạt động 2 năm nhưng HTX Hoàng Nguyên bước đầu gặt hái những thành công trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, HTX và các thành viên đã thực hiện sản xuất hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn và đầu tư trên 800 triệu đồng làm thủ tục được cấp 3 giấy chứng nhận hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn của các nước. Năm 2019, HTX bán hơn 30 tấn hồ tiêu hữu cơ với giá cao, thu về trên 20 tỷ đồng. Năm nay, mặc dù nhiều hộ dân đang phải bán hồ tiêu với giá chỉ khoảng 37 triệu đồng/tấn nhưng HTX vẫn bán với giá đáng mơ ước! Ngay từ đầu mùa vụ này, HTX Hoàng Nguyên đã có đơn đặt hàng của các công ty tới 400 tấn hồ tiêu hữu cơ xuất khẩu với giá từ 65-80 triệu đồng/tấn và khoảng 250 tấn hồ tiêu được hợp đồng mua với giá cao bán với một công ty trong nước.

Ông  Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên chia sẻ: Thực sự khi “bắt tay” làm hồ tiêu hữu cơ điều chúng tôi nghĩ tới trước hết là vì chính sức khỏe của người sản xuất. Sau đó là phù hợp với xu hướng thị trường vì người tiêu dùng cần được sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Cái lợi ích thứ 3 nữa là sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm không an toàn và sản phẩm hữu cơ đã nâng cao thu nhập cho người dân. Làm  ra sản phẩm hữu cơ đã khó, giữ được khách hàng càng khó hơn và giữ được uy tín càng khó. Vì vậy, chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ với các thành viên HTX và thực hiện tốt công tác quản lý để phát triển.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung đến các doanh nghiệp, HTX nhưng nhờ chủ động trong sản xuất, kinh doanh nhưng HTX Hoàng Nguyên vẫn hoạt động khá ổn định. Từ đầu năm đến nay, HTX xuất khẩu hơn 100 tấn hồ tiêu hữu cơ. Mới đây, HTX đã được Sở Nông nghiệp- PTNT khảo sát để tiến hành các bước công nhận vùng sản xuất hồ tiêu của xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh của huyện Đắk Song là vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Với khoảng 1.000 ha hồ tiêu hữu cơ ở các xã này đa số thuộc thành viên của HTX Hoàng Nguyên. Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, ông  Nguyễn Cao Nguyên, Phó Giám đốc HTX Hoàng Nguyên cho biết: Hồ tiêu chủ yếu xuất khẩu và HTX sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, HTX đang xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của mình thông qua một doanh nghiệp. Trong thời gian tới, HTX Hoàng Nguyên sẽ tìm hiểu và tiến tới xuất khẩu trực tiếp để chủ động trong sản xuất, kinh doanh và nâng cao giá trị sản phẩm. HTX cũng đang liên kết với các HTX khác ở trong và ngoài tỉnh để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu hữu cơ, đảm bảo nguồn hàng phục vụ cho xuất khẩu.

 Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông đánh giá HTX Hoàng Nguyên là mô hình sản xuất rất cần thiết nhân rộng trên địa bàn tỉnh. HTX sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo chuỗi giá trị và mô hình liên kết bền vững. Trong thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.

Tin, ảnh: Thanh Nga

BÌNH LUẬN