Sáng 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023. Đồng chí Phạm Minh Chính- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Hoan- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các viện nghiên cứu, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trên cả nước.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Nông có đồng chí Lê Trọng Yên- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, tp Gia Nghĩa.

Theo kết quả báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Thiên tai, dịch bệnh và xung đội quân sự trên thế giới…, đã tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng giá vật tư đầu vào và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản (NLTS). Nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bám sát thực tiễn, nỗ lực vượt khó, vươn lên, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, duy trì được đà tăng trưởng khá cao và toàn diện, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt, vượt mức Chính phủ giao. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 3,36% (Chính phủ giao 2,5-2,8%). Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3%; trong đó thặng dư thương mại 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Giá trị 1ha đất trồng trọt đạt 104,2 triệu đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng lúa đạt 42,66 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sản lượng thịt các loại đạt 7,05 triệu tấn, trong đó thịt lợn tăng 5,9%, gia cầm tăng 4,5% so với cùng kỳ… Có 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới (Chính phủ giao 73%). Lũy kế đến hết năm 2022 phân hạng và công nhận 8.689 sản phẩm OCOP, tăng gần 3.700 sản phẩm so với năm 2021. Trồng mới 300.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%. Công tác mở cửa thị trường tiếp tục có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo. Thị trường tiêu thụ NLTS tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng thông qua phát triển các kênh tiêu thụ, gia tăng thương mại điện tử. Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn. Các mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng…

Tham gia ý kiến thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu thẳng thắn nêu ra những hạn chế, tồn tại của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2022 và đề xuất các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các chỉ tiêu, kế hoạch trong năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt được trong năm 2022. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong năm 2022, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chủ động, nắm chắc tình hình thế giới và trong nước, điều hành linh hoạt, có những đóng góp to lớn và quan trọng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trong năm 2023, toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đoàn kết, thống nhất cả về nhận thức và hành động trong triển khai nhiệm vụ; nắm chắc tình hình, điều hành sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ quyền lực, giám sát, kiểm tra; xác định có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các đơn vị liên quan; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; gắn phát triển nông nghiệp với văn hóa du lịch; đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là cho xuất khẩu; đa dạng hóa sản phẩm, thị trường và cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp của các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp…

           Tin, ảnh: Bùi Hoa Thám

 

BÌNH LUẬN