Chương trình OCOP, đó là mô hình được học tập từ chương trình OVOP của Nhật Bản, do ông Morihico Hirimatsu, tỉnh trưởng OiTa đưa ra với mục tiêu ban đầu là “khuyến khích người dân nông thôn làm sống lại các giá trị các sản phẩm truyền thống tốt đẹp của quê hương nơi minh sinh sống, qua đó làm tăng thêm thu nhập, tạo sức quyến rũ, hấp dẫn khu vực nông thôn, hạn chế việc di dân ồ ạt từ nông thôn ra thành phố, tạo sự cân bằng về kinh tế – xã hội giữa nông thôn với thành thị, từ đó người dân sống ở nông thôn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình” Ở Nhật Bản từ những năm 1970 của thế kỷ XX, cũng như đất nước chúng ta đầu những năm 2000 thực hiện xây dựng công cuộc CNH-HĐH đất nước; các ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ ở các thành phố thu hút một lượng lớn lao động từ các vùng nông thôn ra thành phố, trong khi đó diện tích đất đai các thành phố chỉ chiếm 20% của cả nước, nhưng có 80% dân số cả nước đến học tập và làm việc. Cũng như các thành phố lớn của chúng ta hiện nay, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học … nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức được đào tạo không muốn trở về vùng nông thôn mà tìm cách ở lại, gây áp lực lớn lên các đô thị lớn về mật độ dân số, nhà ở, y tế, trường học và ô nhiễm môi trường; nông thôn ruộng đồng bị bỏ hoang, nguồn lao động chính đi ra thành phố kiếm việc làm, làng mạc chỉ còn lại người già và trẻ em, người nông dân mất phương hướng sản xuất vì không còn nguồn lao động chủ lực. Cuộc sống của người nông thôn ngày càng trở nên lạc hậu và nghèo khổ hơn, trong khi đó do đổi mới về công nghệ, năng suất lao động nên tìm kiếm việc làm ở thành phố ngày càng trở nên khó khăn hơn trước.

Xuất phát từ tình hình trên ở các nước đã học tập cách làm này, trong đó có nước ta. Qua hai năm triển khai thực hiện Quyết định số 2053/QĐ-UBND ngày 22/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 – 2020, tháng 7 năm 2020 tỉnh ta tổ chức chấm sơ kết.

Lãnh đạo UBND tỉnh trao giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP
đợt I năm 2020

Ngày 09 tháng 9 năm 2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông đã ra Quyết định số 1355/QĐ-UBND cấp Giấy công nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2020 cho 22 sản phẩm của 16 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và hộ kinh doanh. 5 sản phẩm của 4 HTX bước đầu được hội đồng đánh giá chất lượng tốt. Trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) là một trong số 2 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP xếp hạng cao nhất, đạt 4 sao, tức sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao có 04 sản phẩm gồm: Cà phê phin giấy, cà phê rang xay của Hợp tác xã Thành Thái; Cà phê bột của Hợp tác xã Tin tue Coffee; Hạt Mắc ca của Hợp tác xã Quảng Trực. Tuy các hợp tác xã đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng, nhưng nhìn chung các hợp tác xã còn bị động trong việc triển khai Chương trình OCOP vì tỉnh ta có 40 dân tộc sinh sống trên địa bàn, có nhiều sản phẩm vừa truyền thống lâu đời, vừa mới du nhập, do đó việc triển khai chương trình này nhằm nâng cao thu nhập, bảo tồn ngành nghề truyền thống như, dệt thổ cẩm, rượu cần, cơm lam…; các sản phẩm nông nghiệp như rầu riêng, các loại bơ, tiêu, khoai lang và các loại dược liệu truyền thống… nhưng chưa có sẩn phẩm được công nhận đợt này, cần khắc phục trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN