Ngày 28 tháng 11 năm 2017, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông tổ chức tập huấn cho các HTX của tỉnh về kiến thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Đã thử nghiệm thành công in và dán tem sản phẩm cho một số HTX, các sản phẩm tại Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm an toàn của các tổ hợp tác, hợp tác xã của Liên minh HTX tỉnh tại TX Gia Nghĩa. Tem được quét bởi ứng dụng Zalo, Facebook, check QR,… trên diện thoại di động, biết được nơi sản xuất, chất lượng sản phẩm, thời hạn sử dụng, giá bán, chính sách tiêu thụ,… như đang truy cập vào website của HTX. Đến giữa tháng 12/2017, Liên minh HTX tỉnh cấp tem miễn phí cho các hợp tác xã, sang năm 2018 phối hợp với các ngành của tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí xây dựng trang website cho các HTX, phân quyền in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngay tại HTX. Đồng thời để kết nối thường xuyên với các HTX cung cấp thông tin kịp thời cho Liên minh HTX Việt Nam và ngành Kế hoạch và Đầu tư.

Hướng dẫn về cách thức truy xuất hàng hoá sản phẩm tại buổi tập huấn

Dự định trong thời năm tới, Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục ứng dụng kỹ thuật số trong việc giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa của các HTX, vận động các HTX lắp đặt các camera ở nơi sản xuất, chế biến, lưu giữ sản phẩm. Khách hàng sử dụng điện thoại di động quét vào mã vạch truy xuất nguồn gốc được dán trên bao bì sản phẩm hàng hóa, không những biết được các thông tin như dán tem hiện nay mà còn thông qua kết nối internes biết được vị trí nơi sản xuất thông qua định vị toàn cầu, nhìn thấy các hoạt động đang sản xuất, chế biến sản phẩm. Khách hàng có thể mua hàng tại các điểm bán hàng, tại Cửa hàng của Liên minh HTX tỉnh có dán tem truy xuất nguồn gốc, hoặc lựa chọn mua hàng nhìn thấy được ở nơi sản xuất, thông báo cho khách hàng qua điện thoại di động về giá bán, chi phí vận chuyển thấp nhất nhờ tối ưu hóa qua ứng dụng của hệ thống xử lý thông minh, biết được ngày giờ xuất hàng, nhận hàng, gửi tới địa chỉ theo yêu cầu. Chú trọng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa nông nghiệp hữu cơ, có công bố, chứng nhận chất lượng, thân thiện với môi trường, bảo vệ quyền lợi của người lao động, không sử dụng lao động người già và trẻ em, không lạm dụng lao động phụ nữ, tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện,.. Mọi thông tin đều được cập nhật thường xuyên, tích hợp, số hóa qua trang website của Liên minh HTX tỉnh.

Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong phát triển kinh tế tập thể có nhiều lợi thế, trong khi chưa có giấy chứng nhận tập thể, chỉ dẫn địa lý, khách hàng nhìn thấy được nơi sản xuất, có sự kết nối trực tiếp giữa các bên: HTX (người sản xuất) với người bán hàng, người tiêu dùng thông qua “thị trường ảo”, “thị trường thật” của thời kỷ bùng nổ ứng dụng công nghệ thông tin, các bên cùng bổ sung hoàn thiện lẫn nhau về số lượng, chất lượng hàng hóa, giá cả, mẫu mã, thị hiếu người tiêu dùng,… Bên đặt hàng, bán hàng có thể tham gia vào một số khâu, công đoạn của quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ, bền vững, không còn giới hạn trong mỗi quốc gia, theo hướng sản xuất hàng hóa theo đặt hàng, theo nhu cầu của thị trường, hạn chế tối đa sản xuất những hàng hóa mà HTX có, chủ động hội nhập quốc tế, phân công lại lao động toàn cầu khi bước vào thời kỳ nông nghiệp, công nghiệp 4.0.

                                              Trần văn Đức – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông

BÌNH LUẬN