Số lượng hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả hoạt động còn thấp. Do đó, các HTX vẫn cần thêm những “cú hích” để phát triển, lớn mạnh, bền vững hơn.
Trên địa bàn tỉnh có 187 hợp tác xã (HTX), trong đó 167 HTX đang hoạt động, 20 HTX chờ giải thể. Tổng vốn điều lệ các HTX hơn 140 tỷ đồng, vốn thực hiện là hơn 110 tỷ đồng. Các HTX có 15.160 thành viên. Toàn tỉnh chỉ có 6 HTX xây dựng được trụ sở làm việc, còn lại đều phải thuê hoặc mượn tạm nơi làm việc.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, nhận thức về kinh tế tập thể của một số cấp ủy, chính quyền và người dân đã chuyển biến tích cực. Hằng năm, số HTX được thành lập mới tăng lên đáng kể, đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Các HTX thành lập mới đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của người lao động; thực hiện đúng bản chất, nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng trong quản lý, điều hành hoạt động, cùng cộng đồng trách nhiệm.
Đến nay, số HTX khá giỏi chiếm gần 38%, trung bình 52%, yếu kém 10%, vượt chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra.
Tuy có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, nhưng kinh tế tập thể nói chung, các HTX nói riêng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu hiện có của địa phương. Kinh tế tập thể phát triển còn chậm về chất và lượng.
Số nông hộ tham gia vào HTX còn ít, chưa tác động mạnh để chuyển biến mang tính đột phá và hiện còn nhiều hạn chế, yếu kém chưa được khắc phục. Quy mô kinh tế tập thể của tỉnh theo niên giám thống kê chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ với 0,4% so với GDP của tỉnh, thấp hơn bình quân chung cả nước.
Nhiều HTX có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, chưa thực hiện được nhiều trong việc cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào cho các thành viên. HTX lệ thuộc về tiêu thụ sản phẩm, chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập.
Những khó khăn, yếu kém kéo dài chưa khắc phục được như vốn ít, trình độ quản lý hạn chế, sản xuất kinh doanh chủ yếu tự phát, nhỏ lẻ; quy mô công nghệ lạc hậu, ít có thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn hàng hóa, đăng ký chất lượng.
Những hạn chế trên dẫn đến sản phẩm khó đáp ứng thị trường khó tính, khó tiêu thụ trong các siêu thị, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến có thương hiệu. HTX khó tiếp cận nguồn vốn với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nên khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ.
Các tồn tại, hạn chế chủ yếu do trình độ cán bộ quản lý, điều hành HTX phần nhiều chưa được đào tạo dài hạn và bài bản. Thành viên các HTX đa số là nông dân, nguồn vốn ít ỏi nên hạn chế về nguồn lực để phát triển.
Nghị quyết Đại hội Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông khóa III, nhiệm 2020 – 2025 xác định, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, nhất là trong khu vực nông nghiệp nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với việc khắc phục yếu kém, hạn chế, Liên minh HTX tỉnh sẽ củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX, mang lại lợi ích thiết thực và liên kết chặt chẽ thành viên.
Số lượng HTX trên địa bàn tỉnh khá nhiều, nhưng quy mô còn nhỏ lẻ. Nhiều HTX hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp. Vì thế, các HTX cần được các cấp, chính quyền quan tâm và có chính sách hỗ trợ phát triển HTX về tiếp cận nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại. Các HTX cần nâng cao trình độ và linh động trong quản lý, điều hành. Ðặc biệt, các HTX nên mở rộng sản xuất, kinh doanh chú trọng liên kết giữa HTX với HTX và HTX với các công ty, doanh nghiệp có tiềm lực để cùng phát triển. – Ông Đặng Quốc Dưỡng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh
Liên minh HTX đặt mục tiêu thu hút ngày càng nhiều hộ cá thể tham gia vào HTX; từng bước khẳng định vị trí, vai trò, nền tảng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong cơ cấu phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh thu hút ít nhất từ 40 – 45% số hộ nông dân trên địa bàn nông thôn tham gia các hình thức kinh tế tập thể, hoặc có sử dụng dịch vụ của các HTX. Bình quân mỗi năm, thành lập mới từ 25 HTX trở lên; phát triển và nhân rộng các loại hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị.
Đến năm 2025, tỷ lệ Liên hiệp HTX, HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt 30%. Số HTX được thụ hưởng chính sách tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2012-2020. Tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt trên 2%.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số HTX có sự đổi mới và bước đầu bắt nhịp với thị trường quốc tế như HTX Công bằng Thuận An (Đắk Mil), HTX Hoàng Nguyên (Đắk Song), HTX Tia Sáng (Gia Nghĩa). Tuy nhiên, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đang cần “cú hích” để phát triển bền vững.
Nguồn: Baodaknong.org.vn