PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – XU THẾ TẤT YẾU...

PHÁT TRIỂN NỀN NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ – XU THẾ TẤT YẾU CỦA QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP

0
488

Xã hội càng phát triển, khách hàng càng có nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn về sức khỏe. Phân khúc thị trường sản phẩm nông sản cao cấp ngày càng được mở rộng, trong đó các dòng sản phẩm đạt chứng nhận hữu cơ đang ngày càng được khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Đây là cơ hội cho các HTX, tổ hợp tác và người nông dân (sau đây gọi chung là nhà sản xuất) nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung tạo sự khác biệt, mang lại giá trị cao và sự ổn định bền vững.
i) Một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ mang lại hiệu quả cao
HTX thương mại, dịch vụ Hồ tiêu hữu cơ Hoàng Nguyên huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đạt được chứng nhận Oganic EU, chứng nhận USDA – NOP của Mỹ, chứng nhận Jas của Nhật Bản; sản lượng một năm đạt khoảng 500 tấn hồ tiêu hữu cơ. Giá trị xuất khẩu cao hơn giá hồ tiêu thường trên thị trường luôn ở mức 40%. HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông, HTX nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, chưa có chứng nhận, nhưng lại vận hành vườn hữu cơ theo nguyên lý vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật. Toàn bộ thành viên HTX áp dụng quy trình tự nhân nuôi vi sinh vật có lợi để ứng dụng sản xuất phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu, trừ nấm sinh học. Đạm hữu cơ được tích hợp từ quá trình ủ từ cá, đậu tương…, kali được tích hợp từ quá trình ủ  thân và quả chuối, trung vi lượng từ bí đỏ… lân được tích hợp từ quá trình ngâm xương động vật, vỏ trứng, vỏ ốc… Với phương pháp này đã giảm chi phí khoảng 15 triệu đồng/1ha cây công nghiệp dài ngày, một hộ gia đình đang sản xuất 3 ha thì sẽ giảm chi phí khoảng 45 triệu đồng/năm, đây là một con số không nhỏ đối với người nông dân. HTX Canh tác tự nhiên Triệu Phong, Quảng Trị tự nghiên cứu quy trình canh tác hữu cơ dự trên nguyên lý của phương tác canh tác nông nghiệp tuần hoàn cộng với vi sinh vật có lợi. Quy trình canh tác tự nhiên của HTX đã được Tổng cục đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận: TQC – Quy trình canh tác tự nhiên. Các sản phẩm hữu cơ của HTX như gạo, thịt gà, thịt heo luôn có giá cao hơn thị trường trên 30% và không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. HTX Nông nghiệp Lâm San huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai tổ chức cho 17 thành viên chính thức và khoảng 500 thành viên liên kết sản xuất hồ tiêu sinh thái theo hướng hữu cơ, xuất khẩu vào thị trường Châu Âu hàng năm 800 tấn với giá cao hơn thị trường luôn ở mức 30%. Việc vận hành vườn sinh thái theo hướng hữu cơ của HTX Nông nghiệp Lâm san cũng dự trên nguyên lý cân bằng hệ sinh thái, lấy vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật làm nền tảng chủ đạo.
Bên cạnh những mô hình tiêu biểu được liên kết dưới hình thức HTX nêu trên, thì còn nhiều HTX và hộ gia đình trên cả nước cũng đang ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ nhưng chưa triệt để và với quy mô nhỏ của hộ gia đình nên không thể thương mại hóa sản phẩm.
ii) Lợi ích từ việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Lợi ích từ việc sản xuất hữu cơ đều được thống nhất nhận thức là tốt cho người tiêu dùng, cho nhà sản xuất và cả môi trường sinh thái. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ về sản xuất hữu cơ và từ những sự trải nghiệm thực tế, tác giả nhận thấy rằng ngoài lợi ích nêu trên thì vấn đề văn hóa, đạo đức trong sản xuất nông nghiệp đang được những nhà sản xuất đề cao. Khi tiếp xúc với nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ, dường như không thấy sự gian dối, bon chen, không thấy việc đặt lợi ích của bản thân lên trên hết. Ở đó chỉ có lòng trung thực, niềm đam mê và tinh thần đoàn kết tương trợ giúp nhau, giống như Giá trị cốt lõi mà HTX Nông sản hữu cơ BechamP Đắk Nông xác định: “Sức khỏe – niềm tin – lợi ích cộng đồng”. Giả sử phong trào sản xuất hữu cơ ở Việt Nam phát triển mạnh, sẽ tạo sự lan tỏa về những điều tốt đẹp, điều này rất phù hợp với đặc trưng thứ  (3) “có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thứ (4) con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; thứ (5) các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển” được Đảng ta xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên Xã hội chủ nghĩa (bổ sung phát triển năm 2011). Những điều này, không chỉ được chứng minh từ thực tiễn tại tỉnh Đắk Nông mà từ nhiều vùng miền trên cả nước. Hầu hết các cá nhân đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng nghĩa không chỉ giảm được chi phí đầu vào về phân bón thuốc bảo vệ thực vật, mà còn đang là những người nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, chăn nuôi. Các nhà sản xuất hiểu rằng, muốn cây trồng phát triển bền vững thì phải nuôi đất cho khỏe, chăm dễ cây cho tốt thì cây trồng sẽ tốt, giảm thiểu tối đa sự tác động của dịch bệnh. Mô hình nông nghiệp hữu cơ, sinh thái hay tuần hoàn đều phải dự trên nguyên lý vận hành đó là vi sinh vật có lợi và xác bã động thực vật. Họ đều hiểu rằng, nếu ở trong đất không có dòng lợi khuẩn Bacillus subtilis thì sẽ thiếu đi  enzyme để thủy phân glucid, lipid, protid, biến đổi chất xơ thành các loại đường dễ tiêu, thủy phân các chất béo phức hợp, và phân giải gelatin, như vậy thì cây trồng không thể hấp thụ được chất dinh dưỡng; nếu thiếu Lactobacillus acidophilus thì sẽ thiếu di dòng lợi khuẩn gây ứng chế các dòng hại khuẩn gây thối rữa, tạo mùi hôi thối, điều này rất cần cho nhà sản xuất sử dụng để tích hợp đạm từ cá, đậu tương. Bằng cảm tính và kinh nghiệm theo dõi lá cây trồng các nhà sản xuất nhận thấy, khi ủ một tấn cá nước ngọt, chi phí hết khoảng 10.000.000đ thì tích hợp được tương đương với 2 tấn đạm URÊ, giảm chi phí được khoảng 20 triệu đồng/ha cà phê/năm; Ủ 5 khối thân cây chuối với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng thì tích hợp được khoảng 1 tấn kali, giảm chi phí được khoảng 10.000.000đ/ha cà phê/năm.

Kết quả sau khi dùng vi sinh vật có lợi để xử lý rệp sáp, những con rệp sáp đã chết sau 7 ngày, những ấu trùng tiếp tục phát triển thành rệp mới

Quá trình trải nghiệm, một thành viên của HTX Becham Đắk Nông tình cờ phát hiện ra khi sử dụng các dòng lợi khuẩn nêu trên kết hợp với các dòng nấm đối kháng như Tricodema (sau khi đã nhân nuôi) sẽ xử lý tương đối tốt được các dòng hại khuẩn như nấm hồng, rỷ sắt và một số nấm hại khác trên cây trồng. Họ sử dụng chiến lược lấy số đông đánh số ít, tức là dùng số đông lợi khuẩn đưa ra vườn để tiêu diệt hại khuẩn và dùng chiến thuật đánh đúng lúc, đúng chỗ nên đã mang lại hiệu quả khát cao trong quá trình quản lý dịch hại. Đây chính là một trong những giải pháp khá hiệu quả của nền nông nghiệp hữu cơ giúp cho người nông dân thay thế thuốc bảo vệ thực vật độc hại cho cây trồng với mức chi phí rất rẻ chỉ bằng một phần mười chi phí khi mua phân bón vi sinh của các công ty kinh doanh cùng dòng sản phẩm. Ví dụ cụ thể, khi nhận 2000 lít vi sinh mật độ cao chỉ hết dưới 200.000đ. Một điều rất thú vị đối với các nhà sản xuất, đó là việc mặc dù họ là nông dân, nhưng họ cảm nhận được sự hoạt động rất mạnh của từng mẻ vi sinh vật mới được nhân nuôi thay vì đi mua của các công ty kinh doanh trên thị trường thì mức độ hoạt động rất yếu, họ nghĩ rằng có thể do mật độ thấp hoặc do được sản xuất quá lâu nên các vi sinh vật có lợi đã già yếu và chết gần hết.

Bể vinh sinh vật quy mô 4000 lít đang sục sinh khối để xử lý rệp sáp và các loại hại khuẩn đối với cây cà phê, hồ tiêu…

Có một số nhà sản xuất đã tận dụng toàn bộ rác thải bếp ăn gia đình để ủ làm phân bón. Ví dụ: một gia đình có 5 thành viên, một tháng tích hợp được 20 lít phân gốc, pha với tỷ lệ 1/40 lít nước, như vậy một tháng đã có 800 lít phân hữu cơ vi sinh đúng nghĩa, một năm có khoảng 10.000 lít phân hữu cơ, lượng phân này các hộ nông dân dự tính đủ cho một lần bón phân cho 1ha cà phê hoặc hồ tiêu, tương đương giá trị khoảng 10.000.000đ. Bên cạnh đó, khi mỗi hộ gia đình đã không đẩy ra xã hội một lượng lớn rác thải sinh hoạt gây hại cho môi trường sinh thái. Vấn đề này cũng đã được nhóm Liên minh Nông nghiệp tử tế ứng dụng xử lý thí điểm phun chế phẩm IMO (tên chế phẩm tự đặt của nhóm) lên các bãi rãi công cộng tại tỉnh Bắc Ninh, xử lý hồ nước ô nhiễm tại huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai, kết quả cho thấy chỉ trong thời gian rất ngắn vài chục phút đã giảm tối đa mùi hôi thối.
iii) Những bất cập và khó khăn của nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Thứ nhất, hầu hết nhà sản xuất nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về vai trò và lợi ích của nông nghiệp hữu cơ, hoặc là do tư duy sản xuất hóa học đã ăn sâu vào nhận thức, không muốn thay đổi, không quan tâm đến sức khỏe của người tiêu dùng, sức khỏe của bản thân; hoặc là luôn cho rằng sản xuất hữu cơ vừa khó, giá thành lại cao, nhưng không có đối tác bao tiêu sản phẩm. Đại bộ phận nhà sản xuất hiện nay chưa nắm vững kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, họ không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi và không biết vận hành vườn hữu cơ theo nguyên lý nào?

20 lít vi sinh gốc gồm các dòng Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus… mà tác giả đã nhân nuôi thành công đang hoạt động rất mạnh

Thứ hai, rất ít nhà sản xuất nhận thức đầy đủ vấn đề trong nền kinh tế thị trường: cần phải thay đổi tư duy từ việc xác định mình là nhà sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp? hay mình là nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp? Nếu nhận thức đầy đủ vấn đề này, thì nhà sản xuất sẽ buộc phải chuyển đổi từ việc sản xuất ra sản phẩm gì mình muốn sản xuất sang tư duy sản xuất ra sản phẩm gì mà người tiêu dùng cần. Lớn hơn nữa, đó là việc phải có giải pháp về xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu, kỹ năng bán hàng.
Thứ ba, chuỗi cung ứng vật tư đầu vào cho nền nông nghiệp hữu cơ đang được các doanh nghiệp quyết định, nhà sản xuất, nhất là nhà sản xuất nhỏ không có khả năng đàm phán, không có năng lực bảo vệ mình với tư cách là người tiêu dùng nên giá thành đầu vào vừa cao, lại không chắc chắn về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nếu họ sử dụng nguồn xác bã động, thực vật tại địa phương để sản xuất theo phương pháp nông nghiệp tuần hoàn thì sẽ rất khó đạt được Chứng nhận hữu cơ quốc tế vì không chứng minh được đầu vào đạt chuẩn hữu cơ.
Thứ tư, chưa có nhiều nhà sản xuất tiếp cận được với chính sách hỗ trợ kinh phí chứng nhận hữu cơ trong nước theo quy định tại Nghị định số: 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về Nông nghiệp hữu cơ; không có quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ với việc thực hiện đăng ký chứng nhận quốc tế, nên nhà sản xuất không đủ kinh phí để thực hiện chứng nhận, nhằm sản xuất quy mô lớn, có sản phẩm xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, nhất là trái cây và các mặt hàng được sản xuất ra từ những cây công nghiệp dài ngày.
Thứ năm, việc các nhà sản xuất tự đánh giá kết quả ứng dụng công nghệ sinh học của mình mang lại hiệu quả đối với cây trông chỉ bằng cảm tính và kinh nghiệm khi nhìn lá cây trồng. Họ không đủ năng lực thể khẳng định chính xác 1 tấn cá nước ngọt sẽ tích hợp được bao nhiêu đạm gốc, một khối thân cây chuối tích hợp ra bao nhiêu ka li để bón cho bao nhiêu diện tích cây trồng. Vấn đề xử lý mùi hôi trong quá trình ngâm ủ cá và đậu tương đôi khi cũng gặp khó khăn, bởi họ không biết phải dùng chính xác bao nhiêu chủng Lactobacillus acidophilus, Bacillus SPP, Tricohazianum, Cellulomnas SPP.
iiii) Giải pháp để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ:
Thứ nhất, đồng bộ nhận thức: Để nhà sản xuất nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của nền nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, trong đó công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nông nghiệp hữu cơ nếu được chú trọng, sẽ là yếu tố quyết định thay đổi nhận thức của nhà sản xuất. Xây dựng cuốn cẩm nang ngắn ngọn dễ hiệu để người nông dân dễ thực hành.
Thứ hai, đồng bộ về thương hiệu tập thể: Khi khách hàng quốc tế khi cần mua sản phẩm hữu cơ thì họ nghĩ ngay đến Việt Nam, khách hàng trong nước thì họ sẽ nhắc đến một tỉnh hay một vùng nào đó. Thương hiệu là nhận thức tốt của người tiêu dùng về sản phẩm. Nếu tiếp tục để các nhà sản xuất tự bơi trong việc xây dựng thương hiệu của mình thì chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Phải có chiến lược của Nhà quản lý trong việc xây dựng thương hiệu tập thể cấp Quốc gia nói chung, cấp vùng, cấp tỉnh nói riêng đối với những sản phẩm đặc thù. Việc xây dựng thương hiệu tập thể ở Việt Nam phải đồng bộ về quy chuẩn, chất lượng với các bộ quy chuẩn quốc tế có thương hiệu mạnh trên thế giới hiện nay, nhằm để khách hàng trong nước và quốc tế công nhận chất lượng sản phẩm hữu cơ Việt Nam, đó chính là thương hiệu quốc gia.
Thứ ba, đồng bộ về giải pháp: Khi khuyến khích, vận động nhà sản xuất chuyển đổi sang phương thức sản xuất hữu cơ thì phải có bộ giải pháp để thay thế các sản phẩm hóa học. Những thứ đó phải được quy định rất cụ thể về truy xuất nguồn gốc đầu vào, nhất là đối với nguồn vật tư tận dụng dụng tại chỗ theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn.  Bản thân tác giả đã là người thực tế chuyển đổi mảnh vườn 5 ha từ phương thức hóa học sang hữu cơ, đã trả những giá rất đắt khi bị chết dần khoảng 1000/1700 cây cà phê, 400/1000 trụ hồ tiêu, 200/270 cây sầu riêng, mà nguyên nhân là khi cắt bỏ thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học nhưng không có bộ giải pháp sinh học chính xác, khoa học thay thế.
Cần có những nghiên cứu khoa học để giúp cho người nông dân có bộ giải pháp hoàn chỉnh về nông nghiệp hữu cơ tập trung ở những vấn đề sau:
– Giải pháp về đất: Hầu hết đất sản xuất hiện nay đã bị ô nhiễm do quá trình canh tác hóa học, do đó cần phải nuôi đất cho khỏe, đó là: (1)Tăng cường sử dụng vi sinh vật có lợi với mật độ cao để giúp phân giải XENLULO (theo tiêu chuẩn: TCVN 6168 : 2002) và các hoạt chất khác đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ. Về kinh nghiệm thực tế, khi các nhà vườn dùng nhiều chế phẩm sinh học thì việc test mẫu sản phẩm hữu cơ thường chỉ mất từ 3 đến 4 năm là đã đạt tiêu chuẩn. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để người nông dân tự nhân nuôi vi sinh với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất. (2) Sử dụng cỏ dại là một giải pháp hữu hiệu đối với nền nông nghiệp hữu cơ. Trên thực tế, cỏ có rất nhiều tác dụng trong việc nuôi đất khỏe, tơi xốp và màu mỡ. Tác giả đã thử nghiệm 10m2 cỏ trong vườn cà phê bao gồm cả diện tích gốc cây không nuôi cỏ đã cho 30k cỏ/năm, 1ha là 30 tấn cỏ. Khi phát cỏ sử dụng chế phẩm sinh học tự nhân nuôi phun lên mặt cỏ, cỏ sẽ được phân giải nhanh, tạo thành các chất hữu cơ nuôi cây. Đây là nguồn phân hữu cơ rất lớn và rẻ tiền. Dễ cỏ sau khi được phân hủy không chỉ tạo ra một lượng lớn hữu cơ còn tạo ra hàng triệu tỷ khe hổng cho không khí vào trong đất, có không khí thì có oxi, có oxi thì lông hút của dễ cây mới hút được chất dinh dưỡng.
– Giải pháp về phân bón: Nhằm giúp cho người nông dân giảm tối đa chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường thì phải hỗ trợ người nông dân biết chính xác (1) một kg cá hoặc 1kg đậu tương sẽ tích hợp được bao nhiêu kg đạm hữu cơ, (2) một khối thân cây chuối sẽ tích hợp được bao nhiêu kali hữu cơ để bón cho bao nhiêu diện tích cây trồng và đối với từng loại cây trồng;(3) nếu việc tích hợp lân hữu cơ và các hoạt chất về trung, vi lượng khó do không đủ nguồn nguyên liệu tự nhiên thì có sử dụng lân nung chảy và các sản phẩm đang bán trên thị trường được hay không?
– Giải pháp về quản lý sâu bệnh: Đây là vấn đề rất nan dải hiện nay, một số nhà sản xuất đã mày mò tìm ra một số giải pháp như: (1) đối với các loại sâu: dùng tỏi, gừng, riềng, ớt… dự trên nguyên lý: cay – đắng – nóng – vi sinh vật để tạo ra thuốc trừ sâu, và có hiệu quả khả quan. (2) đối với nấm, vi khuẩn, rệp sáp có thể dùng Nano Đồng, Nano Bạc hoặc tự nhân vi sinh kết hợp với Tricodema. (3) đối với côn trùng chích hút có thể dùng hoạt chất Abamectin, nấm ba màu.
Thứ tư, đồng bộ về chính sách phát triển nền nông nghiệp hữu cơ:
– Chính sách về tuyên truyền để làm thay đổi tư duy của nhà sản xuất; bồi dưỡng kiến thức về sản xuất, kỹ năng xây dựng thương hiệu, kỹ năng bán hàng.
– Chính sách hỗ trợ thực hiện chứng nhận trong nước và quốc tế về hữu cơ. Việc tạo ra sự đột phá trong hỗ trợ thực hiện chứng nhận hữu cơ quốc tế không vi phạm các cam kết thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Bởi nó nằm trong mục phân loại trợ cấp đèn xanh, thuộc danh mục: “Trợ cấp để hỗ trợ điều chỉnh các điều kiện sản xuất cho phù hợp với môi trường kinh doanh mới. Hình thức trợ cấp này không nằm trong danh mục bị cấm của WTO và sẽ không bị khiếu kiện chống trợ cấp”[[1]].
– Chính sách khuyến khích liên kết người nông dân tham gia hợp tác xã để mua chung, bán chung và chung quy trình sản xuất nhằm giảm chi phí đầu vào và nâng cao tiếng nói của nhà sản xuất trong chuỗi giá trị sản phẩm, để người nông dân thực sự hiểu vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình, đặc biệt là biết tự bảo vệ mình trong chuỗi cung ứng. Khi đó dòng hàng hóa trong chuỗi cung ứng chảy đi thì dòng tài chính chảy lại túi người nông dân một cách ổn định hơn, đúng với công sức họ.
iiiii) Kết luận:
Từ những phân tích trên cho thấy, việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp lệ thuộc vào hóa học và thuốc trừ sâu sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ không hề khó khăn với người nông dân, với trình độ dân trí hiện nay thì không thể không làm được. Phương thức sản xuất hữu cơ có thể làm tăng khoảng 10.000.000đ chi phí nhân công, nhưng có thể giảm đến 25.000.000đ/1ha đối với các dòng cây công nghiệp[[2]]. Trong khi việc nâng cao giá bán đầu ra đang rất khó khăn vì sự cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường, thì việc hỗ trợ nhà sản xuất giảm chi phí đầu vào là việc làm mang lại lợi ích lớn, dễ thực hiện. Bên cạnh đó những lợi ích về môi trường sinh thái là một yếu tố bảo đảm cho ngành nông nghiệpphát triển bền vững. Điều này phù hợp với Mục tiêu chung trong Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.
Nhà nước cần xây dựng Chiến lược phát triển nền nông nghiệp hữu cơ và ban hành những chính sách cụ thể hơn, nhất là việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách, nhằm khuyến khích nhà sản xuất chuyển đổi sang phương thức sản xuất hữu cơ để giúp cho người nông dân không đơn độc trong quá trình hội nhập. Đồng thời giải bài toán chất lượng nông sản thấp, hay nói chính xác là thương hiệu nông sản chất lượng thấp hiện nay. Cuộc cách mạng nông nghiệp hóa học đã để lại những hậu quả khôn lường về môi trường sinh thái và sức khỏe con người thì cũng rất cần phát động một cuộc cách mạng nông nghiệp hữu cơ để khắc phục những hậu quả ấy, để xây dựng thành công thương hiệu nông sản hữu cơ Việt Nam, nông sản hữu cơ vùng miền. Có lẽ đây là con đường tất yếu và là một giải pháp mang tính quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nước ta trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Là một người đang trực tiếp sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đã cùng làm việc và nghiên cứu nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước, tác giả nhận thấy rằng đây là một phương thức sản xuất đầy tính nhân văn, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nếu phong trào sản xuất kinh doanh sản phẩm nông sản hữu cơ phát triển, sẽ góp phần hoàn thành những khát vọng lớn lao mà cả dân tộc ta đang hướng tới, như trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: …Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người … Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội… Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau … Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hoà với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai…”.

Hà Công Xã – Trưởng phòng CSTT-PTHTX

[1] Thư trả lời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
[2] Kết quả tổng hợp từ vườn của tác giả và tham khảo các tổ chức cá nhân đang vận hành vườn hữu cơ

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN