Ngày 8/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Nguyễn Ngọc Bảo đại diện cho hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam và khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tham dự Hội nghị và có báo cáo quan trọng tại Hội nghị.
Huy động mọi nguồn lực để chống chịu, giảm thiệt hại và phát triển sản xuất khu vực HTX, THT
Theo khảo sát của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tỷ trọng sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản chủ lực khác do các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) sản xuất so với tổng sản lượng của các địa phương và cả nước chiếm khoảng 25% – 75%; có sự khác nhau giữa các vùng, địa phương và từng loại nông sản; tỷ trọng sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX và THT trong sản xuất công nghiệp, vận tải, thương mại, môi trường, tín dụng địa bàn nông thôn chiếm 15% – 25% tổng sản lượng hoặc giá trị dịch vụ ở các địa phương.
Báo cáo tại Hội nghị về tình hình phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, nhiều HTX sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng chế biến đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân ít bị ảnh hưởng; một số HTX bị thiệt hại nhưng sử dụng nguồn dự phòng để tự trang trải. Để ứng phó, tăng khả năng chống chịu và giảm thiệt hại, các HTX đã thực hiện giải pháp: Giảm quy mô lao động, đàm phán giảm lương người lao động, sử dụng quỹ dự phòng để trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động; ứng dụng công cụ trực tuyến để quản trị; hỗ trợ người lao động phương tiện phòng, chống dịch bệnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; sử dụng nguồn dự phòng tài chính để trang trải. Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam huy động các nguồn lực hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và hướng dẫn hợp tác xã tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước để khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả thị trường.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Nguyễn Ngọc Bảo báo cáo tại Hội nghị
Hiện nay, HTX, LHHTX, THT đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và tồn tại do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, biến động tăng, chi phí đầu vào và khó khăn nội tại như sau:
(1) Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sản xuất, kinh doanh của HTX, LHHTX, THT, làm cho thu nhập giảm mạnh và đời sống người lao động, thành viên gặp nhiều khó khăn; hơn 90% HTX giảm doanh thu; lợi nhuận sụt giảm đáng kể; lao động bị cắt giảm, nghỉ việc không có lương chiếm 42,2% tổng số lao động; HTX vận tải và du lịch giảm mạnh số lượng khách hàng, hợp đồng và doanh thu, cắt giảm phần lớn hợp đồng lao động, không có nguồn thu để trả lương, nhưng vẫn phải trang trải chi phí, lãi tiền vay; tỷ lệ lớn HTX vận tải tạm ngừng hoạt động; HTX nông nghiệp số lượng tiêu thụ và giá bán giảm mạnh và tồn kho lớn; HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gặp khó khăn về vật tư đầu vào, do đứt gãy chuỗi cung ứng ở trong nước và nhập khẩu, sản xuất, phân phối, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do số lượng đơn hàng và khách hàng mua giảm, tồn kho tăng, khoảng 50% HTX bị thu hẹp và tạm ngừng sản xuất; HTX thương mại và dịch vụ gặp khó khăn về nguồn hàng cung cấp, tiêu thụ và doanh thu giảm; Quỹ tín dụng nhân dân gặp khó khăn trong phát triển thành viên mới doanh số cho vay sụt giảm, nợ xấu có thể tăng.
(2) Sản lượng sản phẩm nông sản, hàng hóa của HTX, THT chưa thu hoạch, bị tồn kho khá lớn. Theo số liệu của Bộ Công thương và báo cáo của Liên minh HTX tỉnh, thành phố, hiện nay, cả nước tồn đọng 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau, 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn lợn, 80.000 tấn thủy sản, 600.000 tấn gia cầm, 400 triệu quả trứng, trong đó sản lượng tồn đọng của HTX, tổ hợp tác sản xuất khoảng 30% – 70%, nguyên nhân chủ yếu là do đứt gãy các chuỗi cung ứng tiêu dùng, chế biến trong nước và xuất khẩu, cụ thể: (i) Các HTX, tổ hợp tác thiếu nhân lực và thời gian thu hoạch các nông sản do giãn cách xã hội; các dịch vụ logistics phần lớn do thương lái đảm nhận, nhưng họ bị kiểm soát và hạn chế đi lại do giãn cách xã hội, bị ngừng trệ, gián đoạn; (ii) Nhiều nhà máy chế biến không nhập hoặc giảm sản lượng nguyên liệu do tạm thời đóng cửa hoặc giảm công suất; (iii) Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản thay đổi hoặc bị từ chối xuất khẩu tiểu ngạch rau quả sang Trung Quốc bị giảm do thông tin thất thiệt liên quan đến dịch Covid-19. HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng gặp khó khăn về tài chính và tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bị suy giảm sản xuất; (iv) – 80% số lượng nông sản do HTX, hộ hợp tác sản xuất được lưu thông qua các chợ đầu mối do tập quán và việc thuận lợi giao dịch mua bán và phần lớn hàng hóa này chưa có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng tiêu chuẩn ViêtGap, GlobalGap (chiếm 20%).
(3) Chi phí sản xuất, kinh doanh đầu vào tăng như thuê nhân công, chi phí vận chuyển, thuê Container, chi phí thức ăn gia súc và gia cầm, thủy sản, chi phí trả lãi tiền vay, giá phân bón DAP, URE tăng.
(4) Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ trong nước, nhập nguyên liệu của các nhà máy chế biến và xuất khẩu; bên cạnh đó, trên thị trường có những thông tin sai lệch với dụng ý xấu về dịch Covid-19 trên các sản phẩm nông sản xuất khẩu gây hoang mang và ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ.
(5) Các HTX phần lớn quy mô nhỏ, một số đã và đang gặp nhiều khó khăn nội tại: Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; năng lực quản trị, tiếp thị và tổ chức sản xuất theo chuỗi cung ứng còn nhiều hạn chế; vốn tự có ít, thiếu vốn trung và dài hạn để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng công nghệ cao; hơn 70% sản lượng lương thực, thực phẩm và nông sản khác sản xuất và tiêu thụ chưa có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo yếu tố pháp lý về an toàn thực phầm, cho nên phần lớn tiêu thụ ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống phù hợp với tâm lý phần đông người tiêu dùng.
(6) Một số chính sách hỗ trợ trong tình hình hiện nay không thực hiện được do ảnh hưởng của dịch bệnh như: Các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các Hội chợ, Tuần hàng nông sản,…; chính sách về tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các HTX, LHHTX, các địa phương và bộ, ngành thiếu nguồn lực để hỗ trợ HTX, bởi vì phải chờ Quốc hội phê duyệt Kế hoạch đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Việc nắm bắt và tiếp cận các chính sách hỗ trợ của HTX, số lượng HTX được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Tồn tại, bất cập này là do: Một số văn bản quy định về chính sách hỗ trợ không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là HTX, người lao động trong HTX, cho nên gây khó khăn cho việc triển khai, phát sinh tình trạng xin – cho. Các HTX tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế, ở xa trung tâm, cách biệt về địa lý, cho nên chưa cập nhật thông tin kịp thời về chính sách hỗ trợ. Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với các HTX chưa được nhịp nhàng và kịp thời; thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí đi lại.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, các HTX, liên hiệp HTX, THT huy động mọi nguồn lực để chống chịu, giảm thiệt hại duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, số lượng HTX ngừng hoạt động; tỉếp tục phát triển đa dạng về loại hình, hình thức hợp tác trong các ngành nghề, lĩnh vực, thành phần kinh tế và địa bàn, nhất là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; củng cố, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, liên hiệp HTX, THT hiện nay và khi đại dịch Covid-19 được ngăn chặn và đầy lùi.
Thực hiện Chương trình kết nối cung – cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng do HTX, THT sản xuất
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc lớn và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đối với HTX, liên hiệp HTX, THT hiện nay, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 về thực hiện tốt công tác vận tải, lưu thông hàng hóa, bảo đảm cung ứng kịp thời hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Với chức năng và nhiệm vụ chủ yếu là đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên, đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, HTX, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam với các địa phương, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số giải pháp khẩn trương khôi phục và duy trì các chuỗi cung ứng thị trường tiêu dùng và sản xuất trong nước, xuất khẩu, hỗ trợ các HTX và thành viên duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh như sau:
- a) Đề nghị Thường trực tỉnh uỷ, thành uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, thực hiện một số giải pháp:
(1) Thống kê, đánh giá và thông tin thường xuyên và kịp thời về sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tồn kho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn, nhất là lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác, kể cả dự báo sản lượng nông sản thu hoạch trong những tháng cuối năm 2021; rà soát kỹ từng chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương để có giải pháp giải quyết cụ thể cho từng chuỗi ngành hàng.
(2) Ưu tiên tiêm vắc xin phòng, chống dịch Covid-19 cho thành viên HTX và người lao động tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, giữ vệ sinh môi trường và cán bộ, nhân viên của Liên minh HTX cấp tỉnh như tổ hợp tác, HTX nông nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm và nông sản thiết yếu khác; HTX vận tải đường thuỷ, vận tải đường bộ (lái xe, phụ xe, lái tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, nhân viên phục vụ, nhân viên giao nhận, nhân viên bốc xếp…); liên hiệp HTX và HTX thương mại, tiêu dùng; các cửa hàng tiện ích, Trung tâm thương mại của Saigon-Coop tại các tỉnh, thành phố (nhân viên thu mua, bán hàng, vận chuyển….); HTX môi trường (thu gom, xử lý rác, chất thải…); các thương lái là thành viên của tổ hợp tác, hộ kinh doanh tham gia thu mua, đóng gói, vận chuyển lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác (hiện nay, thương lái đảm nhận dịch vụ logistics khoảng 85% tổng khối lượng lương thực thực phẩm, nông sản khác do các HTX, tổ hợp tác và chủ trang trại sản xuất); cán bộ, nhân viên của Liên minh HTX cấp tỉnh thường xuyên đi công tác cơ sở để tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ thành lập và củng cố HTX, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác về xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu, tiêu thụ sản phẩm, các thủ tục pháp lý, hành chính trên địa bàn tỉnh, thành phố phục vụ lưu thông hàng hóa….
(3) Huy động nguồn nhân lực trong và ngoài địa phương để hỗ trợ thu hoạch nông sản do HTX và THT, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; cho các chợ đầu mối và chợ truyền thống hoạt động cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; huy động các thương lái có năng lực hoạt động để cấp giấy đi đường, tiêm vắc-xin và tạo điều kiện thuận lợi các thủ tục hành chính khác để họ tham gia tích cực các dịch vụ logicstics cho hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Các sở, ngành chủ động phổ biến, cung cấp thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các thông tin thất thiệt, ảnh hưởng đến xấu đến các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa.
(4) Giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe, phụ xe, lái tàu, phụ lái tàu, thuyền viên, người lao động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(5) Thực hiện các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền phù hợp với quy định của pháp luật để hỗ trợ các HTX và doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh như hỗ trợ lãi suất tiền vay, bảo lãnh tín dụng, bổ sung vốn cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng cho vay đối với HTX, giảm phí và lệ phí liên quan đến các dịch vụ logicstics…
(6) Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp, vận tải, thương mại, tiêu dùng và các tổ hợp tác, Liên hiệp HTX thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon-Coop), Liên minh HTX cấp tỉnh, các Trung tâm xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam tổ chức thực hiện Chương trình kết nối cung – cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng do HTX, THT sản xuất, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội (văn bản số 503/CTr-LMHTXVN ngày 04/8/2021 gửi kèm công văn này), nhất là TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và các địa phương đông dân cư. Chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng được thực hiện trên địa bàn cả nước, bắt đầu từ ngày 06/8/2021 do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì, phối hợp Liên minh HTX cấp tỉnh, Saigon-Coop, các HTX nông nghiệp, vận tải, thương mại, tiêu dùng tổ chức thực hiện.
(7) Chỉ đạo Liên minh HTX cấp tỉnh, các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong khu vực kinh tế tập thể, HTX gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp cận và thực hiện đúng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương về hỗ trợ an sinh xã hội, giảm và gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, giảm tiền điện, giảm phí và lệ phí, giảm tiền nước, cước viễn thông… theo quy định tại các văn bản: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021, Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 của Bộ Tài chính….
(8) Khu vực phi chính thức dễ tổn thương và khả năng chống chịu kém hơn nên người lao động trong khu vực này cần phải được đặc biệt chú trọng.
Thực hiện chủ trương “không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc” của Chính phủ, các địa phương thiết lập “đường dây nóng” để hỗ trợ cho người dân trong trường hợp khẩn cấp, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ trọng khá lớn, dễ tổng thương và khả năng chống chịu kém
- b) Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét, thực hiện một số giải pháp:
(1) Đẩy nhanh chiến lược vắc-xin và việc tiêm chủng, trong đó ưu tiên cho người dân và lực lượng lao động tham gia các chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, logicstics.
(2) Thông tin tình hình, xu hướng thị trường trong nước và ngoài nước, nhất là các thị trường Trung Quốc, Đông Á, Nam Á; huy động và nâng cao năng lực hoạt động các Tham tán thương mại tại các thị trường lớn để đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ tiếp cận và cập nhật thường xuyên các chính sách, hàng rào kỹ thuật của thị trường EU; tìm kiếm các đối tác để xuất khẩu gạo sang thị trường tiềm năng này; hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm khi vào vụ mùa thu hoạch chính thông qua các kênh xúc tiến thương mại, kết nối với các đối tác (hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, điểm bán hàng) trong nước; tiếp tục hỗ trợ kết nối với các Sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Lazada, Shopee, Amazon, Voso, Postmart…), trong đó đề xuất hỗ trợ chi phí thường niên hằng năm cho các doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử nước ngoài (Alibaba; Amazon).
(3) Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các ách tắc về vận tải, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương.
(4) Thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khoá với lãi suất thấp (3%/năm), thời hạn 01 năm để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX, dự trữ nguyên liệu nông sản, dự trữ nông sản thiết yếu cho tiêu dùng, người dân và xuất khẩu, đồng thời giảm bớt tình trạng ép giá của nhà nhập khẩu.
(5) Nhà nước thực hiện việc mua lúa, gạo dự trữ khoảng 3 -5 triệu tấn theo cơ chế đã thực hiện từ những năm trước để ổn định giá lúa, gạo để nông dân không vị lỗ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu khi dịch Covid-19 được ngăn chặn và đẩy lùi.
(6) Thực hiện các giải pháp về chính sách tài khoá để thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, vừa giúp tạo việc làm trong ngắn hạn, vừa tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX giảm chi phí sản xuất, kinh doanh như rà soát giảm các loại phí do Nhà nước quản lý liên quan đến sản xuất logistics và tiêu thụ sản phẩm, khoanh, giãn nợ.
(7) Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ để ưu tiên, tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; cung ứng vốn tín dụng kịp thời, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, chi phí vay vốn đối với các HTX có vay vốn của các tổ chức tín dụng… Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình cho vay nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của các HTX; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận gói tín dụng ưu đãi cho các hợp tác xã vay để trả lương ngưng việc đối với người lao động làm việc trong HTX, vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Nguồn: vca.org.vn