Sau 5 năm thực hiện Kết luận số 56/KL/TW, ngày 21/02/2013 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT)”, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Chú trọng công tác tuyên truyền, đào tạo
5 năm qua, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung vào các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm để tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy thực hiện tốt các chính sách đặc thù trong khuyến khích phát triển KTTT.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tư vấn hỗ trợ, xúc tiến thương mại, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các thành viên và làm tốt cơ chế phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã tạo mọi điều kiện cho HTX, THT thành lập và phát triển…
Để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, các tổ chức đoàn thể tổ chức 30 lớp tập huấn thu hút 2.770 học viên tham dự. Phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh xây dựng 18 phóng sự, Báo Đắk Nông xây dựng trên 60 chuyên trang, đăng tải trên 350 tin, bài viết về kinh tế hợp tác, HTX.
Liên minh HTX chủ động phối hợp với chính quyền các xã điểm xây dựng nông thôn mới tổ chức các buổi tuyên truyền về luật HTX năm 2012 cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã. Trong các đợt tuyên truyền, đơn vị đã cung cấp các tài liệu hướng dẫn thực hiện luật HTX năm 2012, đồng thời vận động, hướng dẫn thủ tục cho người dân có nguyện vọng tham gia thành lập HTX, THT phát triển kinh tế gia đình. Từ đây, góp phần để các xã phấn đấu hoàn thành tiêu chí thứ 13 về xây dựng nông thôn mới.
Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với các trường đại học và trung học chuyên nghiệp gửi 38 học viên là thành viên của các HTX tham gia đào tạo dài hạn với tổng kinh phí 180 triệu đồng. Để nâng cao năng lực quản trị, điều hành cho các thành viên ban giám đốc HTX, Liên Minh HTX tỉnh đã phối hợp tổ chức được 15 lớp bồi dưỡng cán bộ chủ chốt HTX với 710 lượt học viên tham gia.
Ngoài bồi dưỡng về chuyên môn, các học viên là cán bộ Liên minh HTX tỉnh, cán bộ chủ chốt các HTX còn được đi học tập kinh nghiệm, các mô hình HTX kiểu mới, kinh doanh có hiệu quả trong cả nước. Ngoài ra, để hỗ trợ, động viên các nhóm sáng lập viên, Liên minh HTX tỉnh cũng đã hỗ trợ 141 triệu đồng để các sáng lập viên thành lập mới HTX.
Về hỗ trợ các HTX, THT quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 15 đơn vị kinh tế hợp tác tham gia các hội chợ với số tiền là 255 triệu đồng; liên kết để các HTX có dịp giao lưu, trao đổi với các HTX kiểu mới ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Qua các hoạt động trên, KTTT trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, tăng cường về chất lượng, phát triển. Ngoài ra, với sự ra đời của Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể và Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, kết quả cụ thể là đã hỗ trợ xây dựng và khai trương Cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm an toàn của THT, HTX tỉnh Đắk Nông vào đầu tháng 8 năm 2017. Hoạt động này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng cho khu vực KTTT của tỉnh, từng bước giải quyết những khó khăn cho các HTX, THT trong quá trình phát triển.
Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 96 HTX, tăng 60 HTX so với năm 2013 và 100% HTX đã hoạt động theo luật HTX năm 2012. Các HTX hoạt động hầu hết trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ… Tốc độ tăng trưởng trong khu vực KTTT trong giai đoạn 2013-2017 ước đạt 6,5-7%, đạt mục tiêu Tỉnh ủy đề ra. Bên cạnh phát triển về số lượng, ngày càng có nhiều HTX nâng cao chất lượng hoạt động, tăng thu nhập cho các xã viên, người lao động.
Đơn cử như HTX vệ sinh môi trường Quyết Thắng (Chư Jút) đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ là người dân tộc thiểu số. HTX Chăn nuôi Đồng Tiến (Đắk R’lấp) hằng năm sản xuất ra nhiều giống heo có chất lượng cao cung cấp cho thị trường. HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An (Đắk Mil) đã được cấp chứng nhận UTZ, xuất khẩu trên 300 tấn cà phê/năm, giá bán cao hơn trong nước 6 – 8 triệu đồng/tấn…
Ngoài HTX, toàn tỉnh hiện có 262 THT được hình thành chủ yếu để liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Hoạt động của các THT đã tạo ra việc làm và sản phẩm cung cấp cho thị trường, tăng thu nhập, đặc biệt giúp xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Một số THT được thành lập và hoạt động xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của thành viên, khắc phục một số mặt yếu kém của kinh tế hộ đơn lẻ, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, phát triển kinh tế, xã hội, khuyến khích tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất.
Nhìn chung, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XI, khu vực KTTT của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu về giá trị kinh tế, thu nộp ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động tăng hơn trước, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị cơ sở và bảo đảm an sinh xã hội. Các HTX đã từng bước được củng cố và tổ chức hoạt động theo luật HTX năm 2012, thay thế mô hình HTX kiểu cũ, phát huy nội lực, không trông chờ và ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động. Nếu như số HTX khá giỏi năm 2012 là 26,5%, trung bình là 50,8%, yếu kém là 22,7% thì đến nay số HTX khá giỏi là 40 HTX, chiếm 40,4%; trung bình là 49 HTX, chiếm 49,5%; yếu kém chỉ còn 10 HTX, chiếm 10,1%.
Theo ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì KTTT đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đã đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của đời sống cộng đồng, đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho các thành viên, đặc biệt là những người lao động thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh… HTX, THT từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc kết nối, liên kết giữa các đơn vị sản xuất và nhà phân phối. Các hộ nông dân trong HTX nông nghiệp có cơ hội mang sản phẩm của mình cho thị trường bên ngoài thông qua hình thức bao tiêu sản phẩm. Từ đó, giúp cho người nông dân giảm được rủi ro từ thị trường.
Tuy có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng nhưng theo đánh giá, KTTT vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của thực tế. Cụ thể như KTTT chưa có những chuyển biến mang tính đột phá. Quy mô KTTT của tỉnh theo niên giám thống kê chiếm tỷ trọng nhỏ với 0,4% so với GDP của tỉnh, thấp hơn bình quân chung cả nước. Nhiều HTX có quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp, chưa thực hiện được nhiều trong việc cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm nên dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập. Ngoài ra, một số khó khăn về vốn, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm… cho các HTX vẫn kéo dài, chậm được khắc phục.
Từ kết quả và hạn chế trên, theo Liên minh HTX tỉnh thì trong những năm tiếp theo, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu, tập trung củng cố, đổi mới, phát triển KTTT theo chiều sâu, với nhiều mô hình đa dạng, coi trọng hiệu quả hoạt động và mang lại các lợi ích thiết thực cho thành viên, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Mặt khác, đơn vị cũng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành mới, rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc thành lập, phát triển HTX, THT kiểu mới…
Bài, ảnh: Đức Hùng
Báo Đắk Nông