UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 3377/UBND-NN gửi Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường,UBND các huyện, thị xã và các đơn vị chủ rừng về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng.

Ảnh minh hoạ

Thời gian gần đây, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng ở một số huyện trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, là tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã đưa các công cụ, phương tiện cơ giới như: cưa xăng, máy múc, máy ủi, xe cày, xe độ chế, … vào rừng để thực hiện việc phá rừng, làm đường, múc ao hồ, dựng nhà, lán trại trái phép diễn ra khá phổ biến, nhưng chưa được các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý.

Để chấm dứt tình trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; người đứng đầu các đơn vị chủ rừng tập trung thực hiện nghiêm túc các giải pháp, biện pháp ngăn chặn, bảo vệ và phát triển rừng tại Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011, Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các Chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành: Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 08/12/2016; Kế hoạch hành động thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1616/QĐ-UBND ngày 19/9/2016; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 110-KL/TU ngày 17/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 5 khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/-NQ/TU ngày 06/5/2013 của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 – 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 18/QĐ-UBND ngày 05/01/2017.

Trong đó, ưu tiên tập trung thực hiện các giải pháp như: Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật; không phá rừng, sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu và có giải pháp để ổn định dân cư theo đúng quy hoạch.

Lập kế hoạch và tổ chức cưỡng chế, giải tỏa toàn bộ diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng trái phép, trong đó ưu tiên thực hiện trước đối với diện tích rừng mới bị phá năm 2017, hiện trường các vụ án, diện tích canh tác trái phép tiếp giáp diện tích rừng mới bị phá.

Bảo vệ hiện trường các vụ phá rừng để phục vụ công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm; không để các đối tượng vi phạm canh tác trên diện tích rừng bị phá; lập phương án trồng rừng vào mùa trồng rừng gần nhất hoặc bảo vệ để phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên.

Nghiêm cấm tình trạng làm đường; đào, múc ao hồ; xây dựng nhà, lán trại,… trái phép trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và quy định của pháp luật, tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ ngay khi mới hình thành; ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp đưa công cụ, phương tiện cơ giới (cưa xăng, máy múc, máy ủi, xe cày, xe độ chế,…) trái phép vào rừng theo quy định pháp luật.

Xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, đặc biệt là các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để răn đe, phòng ngừa các hành vi phạm tội; đẩy mạnh công tác điều tra, đấu tranh với các đối tượng cầm đầu, bảo kê, kích động, lôi kéo người dân phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Các chủ thể có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, trung thực, kịp thời các vụ phá rừng đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường; Giám đốc Công an tỉnh và người đứng đầu các đơn vị chủ rừng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

H.N
daknong.gov.vn

BÌNH LUẬN