Chủ động phòng, chống dịch hại trên cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu

0
1388

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một thách thức lớn đã và sẽ tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, vùng, quốc gia… Do đó, vấn đề BĐKH ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây bùng phát dịch bệnh trên cây trồng đang được ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông quan tâm và tìm các giải pháp thích ứng trong đời sống sản xuất.

Kết quả phân tích của các chuyên gia cho thấy, nhiệt độ ngoài tự nhiên tăng lên là một trong các tác nhân làm cho quần thể sâu hại hoàn thành vòng đời sớm hơn dẫn đến nhân nhanh quần thể ngoài tự nhiên. Vì vậy, nếu kịch bản BĐKH trở thành hiện thực thì nhiệt độ càng cao, số lần sinh sản của sâu hại tăng nhanh, dẫn đến thiệt hại do chúng gây ra sẽ sớm hơn và mạnh mẽ hơn.

Bệnh chết nhanh lây lan gây thiệt hại cho nhiều vườn tiêu ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song).

Theo một báo cáo của Viện Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp – PTNT thì trong đợt điều tra năm 1977 – 1978 tại các vùng trồng cà phê phía Nam, cơ quan này đã thu thập được 12 loại sâu bệnh hại trên cây cà phê. Đến giai đoạn 2006 – 2010, ghi nhận được kết quả có 31 loài sâu hại thuộc 8 bộ côn trùng; 15 loại bệnh hại đối với cây cà phê. Trong đó, có nhiều loại sâu hại, bệnh hại đáng chú ý như: ve sầu, rệp sáp xanh, rệp sáp vẩy trắng; bệnh do rỉ sắt, nấm H. vastatrix gây hại trên các vườn cà phê vối, nấm coffeanum gây hại trên lá, cành và quả, làm khô cành, quả cho tất cả các giống cà phê… Sự thay đổi về thời tiết có xu hướng nóng lên làm cho sâu bệnh hại phát triển nhanh và phát triển thành những đợt dịch bùng phát trên cây cà phê.

Điển hình như: Rệp sáp hại cà phê thành dịch vào những năm 2000 – 2003; bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm năm 2000 – 2004; ve sầu hại rễ năm 2007 – 2009… Năm 2017, qua số liệu khảo sát và đánh giá của Viện Khoa Học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho thấy tỷ lệ cây cà phê bị bệnh vàng lá, thối rễ xuất hiện ở tất cả các huyện trọng điểm trồng cà phê của Đắk Nông như: Đắk Mil, Đắk Song, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa, với tỷ lệ vườn bị hại cao hơn 61,8%, một số xã trên 70% như Thuận An (75%), Đức Minh (80 %)… so với những năm trước đó. Đối với cây hồ tiêu, những năm gần đây xuất hiện một số bệnh “lạ” như: Bệnh chết nhanh, chết chậm, “tiêu điên” (virus gây ra), là 3 đối tượng nguy hiểm nhất, gây thiệt hại lớn cho sản xuất hồ tiêu của người dân trong tỉnh.

Bên cạnh đó, các loại bệnh hại cũng phát sinh và gây thiệt hại nghiêm trọng trên các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, cam, quýt… Trong đó, đầu năm 2017, hiện tượng cây sầu riêng chết hàng loạt xảy ra trên địa bàn tỉnh với diện tích lên đến hàng trăm héc ta, tập trung ở các huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil… Phần lớn sầu riêng chết đều trên dưới 10 năm tuổi, trong giai đoạn kinh doanh, năng suất vài chục tấn quả/ha, thiệt hại cho các địa phương hàng trăm tỷ đồng. Qua đánh giá chi tiết triệu chứng gây hại cũng như phân tích trong phòng thí nghiệm đã xác định đây là bệnh xì mủ/loét sầu riêng và nguyên nhân gây bệnh là do Phytophthora palmivora, một loại vi sinh vật giống nấm gây ra. Loại bệnh này phát triển, phát tán và lây lan trong trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao. Ngoài gây hại cho bộ phận rễ, gốc, thân, chúng còn tấn công bộ phận trên mặt đất như cành, quả. Ngoài ra, một số loại bệnh hại khác như bệnh bọ xít muỗi hại điều, ca cao; bệnh phấn trắng, bệnh héo đen đầu lá trên cây cao su; các loại bệnh hại trên cây có muối… cũng đang có xu hướng phát triển mạnh những năm gần đây.

Theo TS Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa Học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì để đối phó với BĐKH, hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã có các động thái tích cực trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Đắk Nông cũng cần quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch một cách hiệu quả, đặc biệt là gắn quy hoạch với vùng sản xuất nguyên liệu có truy nguyên nguồn gốc. Chuyển đổi một số diện tích đất trồng cà phê ở vùng có điều kiện khí hậu bất thuận, sản xuất không hiệu quả sang trồng các loại cây có khả năng thích ứng cao với BĐKH. Đồng thời, ngành chuyên môn cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác phù hợp với biến động bất thường của thời tiết. Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH trong lĩnh vực BVTV sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định kinh tế, làm động lực cho các ngành hàng khác phát triển để gia tăng giá trị sản xuất, thu nhập của người lao động.

Theo Đắk Nông Online

BÌNH LUẬN