Sáng 8/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố triển khai và quán triệt Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 150/QĐ-TTg (ngày 26/01/2022) của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nôi. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông Đ/c: Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Hội nghị. Tham dự có Lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các đơn vị trực thuộc Sở, Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Văn phòng UBND tỉnh.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ NN&PTNT tiến hành phổ biến, quán triệt các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Nghị quyết số 19-NQ/TW và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định rõ nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba nhân tố có quan hệ mật thiết, gắn bó không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng…..Tại Quyết định 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu chung là: Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh…Tại Hội nghị, các ngành, địa phương tham gia thảo luận, góp ý và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương, đơn vị có liên quan quyết liệt triển khai, quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW và Quyết định 150/QĐ-TTg. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh xây dựng nông nghiệp thực sự là lợi thế quốc gia, nông nghiệp phải là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Theo đó, phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ đơn giá trị sang đa giá trị; tích cực đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để hạ giá thành, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân. Mọi hoạt động sản xuất của ngành Nông nghiệp phải dành cho nông dân, xoay quanh người nông dân, nâng cao chất lượng sống cho người nông dâm. Tăng cường giáo dục nông nghiệp, hướng nghiệp cho thế hệ trẻ; huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong phát triển nông nghiệp./.

                                                                                      Tin, ảnh: Bùi Hoa Thám

BÌNH LUẬN