Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất

Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất

0
895

Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất

Ngày 14/01/2018 tại Khu đảo nổi-Hồ trung tâm thị xã Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức.

          Tham Dự lễ khai mạc, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban ngành; Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước Campuchia, Lào, Indonesia. Về phía địa phương có các đồng chí: Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ  tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thị xã…

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội cho biết: Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I diễn ra tại tỉnh Đắk Nông là  một hoạt động nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa làng nghề của 54 dân tộc còn được lưu truyền đến ngày nay. Đây không chỉ là dịp để quảng bá, giới thiệu và khắc họa dấu ấn văn hóa du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước mà còn là dịp để các nghệ nhân, dân tộc thiểu số trong tỉnh nói riêng và cả nước có cơ hội giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm và thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I diễn ra từ ngày 14-16/01/2019, có sự tham gia của các tinh hoa văn hóa bản sắc dân tộc đại diện cho 18 tỉnh, thành trong cả nước như: Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Ninh Thuận, Bình Phước, Cà Mau và đại diện Ban quản lý Công viên địa chất các tỉnh Đắk Nông, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam, Gia Lai đặc biệt có sự tham gia của 3 nước bạn Campuchia, Lào, Indonesia…

Lễ hội lần này đã thu hút hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số tham gia.

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí từ Trung ương đến địa phương phải góp phần xây dựng chiến lược truyền thông và định vị sản phẩm thổ cẩm Việt Nam; những nét khác biệt độc đáo, những giá trị đặc sắc văn hóa cần được chuyển tải một cách sâu lắng và hiệu quả đến người dân, đến du khách trong nước và bạn bè du khách quốc tế. Làm sao từ nay, một trong những món quà Thủ tướng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành tặng các nhà lãnh đạo quốc tế trong các chuyến công du chính là sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ta, trong đó có đồng bào Đắk Nông, làm ra. Cho rằng mỗi tấm thổ cẩm chính là sứ giả văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất là sáng kiến rất đáng trân trọng, được tổ chức nhân chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (1/1/2004 – 1/1/2019), nơi hội tụ vẻ đẹp lãng mạn của Đà Lạt và nét hùng vĩ của Tây Bắc, một vùng đất giàu tiềm năng, bản sắc. Thủ tướng nhấn mạnh “Chúng ta cũng cần nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng cần được đánh thức trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào ta đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào thiêng liêng về bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng chất liệu thổ cẩm”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành phố cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào ta, nhất là các địa phương còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, với tất cả tình cảm và trách nhiệm, hãy hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Cần tập trung gìn giữ để tôn vinh các giá trị văn hóa thổ cẩm Việt Nam, tri ân công lao của các nghệ nhân qua các thế hệ có công sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, để trở thành bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên mọi miền Tổ quốc.

Tin, bài: Phòng CSTT&PTHTX

 

 

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN