Rộng cửa đầu tư vào Đắk Nông

0
883

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh về nông – lâm nghiệp, du lịch, tài nguyên khoáng sản…, nhưng thời gian qua, các dự án đầu tư vào tỉnh Đắk Nông còn khá khiêm tốn.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh Đắk Nông đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách ưu đãi và tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tiềm năng chưa được đánh thức

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, từ năm 2004 đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 190 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, tập trung tại thị xã Gia Nghĩa (26 dự án) và các huyện như Đắk R’lấp (40 dự án), Đắk Glong (35 dự án), Tuy Đức (31 dự án)… Tuy nhiên, hiện nay có tới 116/190 dự án (chiếm 61,1%) đang gặp khó khăn, vướng mắc hoặc không triển khai các thủ tục sau khi tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong khi đó, số dự án triển khai đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp, chỉ chiếm 28,4%. Phần lớn các dự án bị ùn ứ là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Tình trạng lấn chiếm đất dự án diễn ra phức tạp, nhất là tại các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thương mại – dịch vụ. Các dự án nông, lâm nghiệp, thời gian qua không được triển khai hoặc triển khai chậm so với chủ trương, trong đó có đến 23 dự án chậm tiến độ hơn 5 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Đắk Nông đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư

Để tháo gỡ những khúc mắc trong đầu tư các dự án, trung tuần tháng 6-2017, tỉnh Đắk Nông đã tổ chức cuộc đối thoại với các nhà đầu tư trên địa bàn. Tại đây, đại diện các nhà đầu tư cho rằng, hiện nay giá thuê đất vẫn còn cao, việc giải quyết các vấn đề về tranh chấp đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, chất lượng điện năng thấp và tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại khó khăn. Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, trước khi quốc lộ 14 được nâng cấp, mọi hoạt động giao thương giữa Đắk Nông và địa phương khác gặp rất nhiều khó khăn. Hàng hóa sản xuất ra phải gánh nhiều chi phí vận chuyển, hao mòn, là nguyên nhân trở ngại lớn nhất đối với các nhà đầu tư vào địa phương. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, luồng dự án của các nhà đầu tư mới có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn với tiềm năng của tỉnh. Riêng đối với các dự án gặp khó trong giải phóng mặt bằng, thường có yêu cầu cao về diện tích cần giải tỏa (vì phần lớn phải thu hồi đất của người dân), trong khi chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp đang tạm dừng nên càng khó có “đất sạch” cho dự án.

Ưu đãi, gỡ khó cho nhà đầu tư

Nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, mới đây HĐND tỉnh Đắk Nông đã thông qua nghị quyết về việc khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh Đắk Nông đến năm 2020. Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Nông cho biết, bên cạnh những chính sách riêng cho từng nhóm, ngành, nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông sẽ được hưởng các ưu đãi, chế độ ở mức cao nhất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước ở địa phương thấp nhất theo các quy định của Trung ương.

Cụ thể, đối với các dự án thuê trong khu, cụm công nghiệp sẽ được miễn tiền thuê mặt bằng (gồm thuê đất, thuê hạ tầng) cho đến khi hoàn thành dự án, có sản phẩm bán ra thị trường. Trong 2 năm tiếp, sau khi đã có sản phẩm tiêu thụ sẽ được giảm 50% tiền thuê mặt bằng. Đối với các dự án công nghệ cao, tỉnh sẽ hỗ trợ 30% dự toán phê duyệt (tối đa 3 tỷ đồng/dự án) để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ 30% kinh phí chuyển giao công nghệ, đầu tư máy móc, thiết bị, sản xuất thử nghiệm (dưới 2 tỷ đồng/dự án). Trên lĩnh vực lao động, sẽ hỗ trợ 30% giá trị hợp đồng thuê chuyên gia (có thời gian từ 6 tháng đến 2 năm) phục vụ dự án công nghệ cao, mức hỗ trợ là 3 hợp đồng/dự án. Bên cạnh đó, trong mỗi dự án công nghệ cao sẽ được hỗ trợ 15 người lao động (cán bộ quản lý, kỹ thuật) đi đào tạo nghề trong và ngoài nước.

Ngoài ra, địa phương còn dành riêng một khoản vốn khoảng 130 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển tỉnh Đắk Nông hỗ trợ doanh nghiệp vay với mức ưu đãi tùy vào từng loại dự án (thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại). Trong trường hợp nguồn vốn không đáp ứng được khoản vay dự án, các nhà đầu tư sẽ được địa phương hỗ trợ chênh lệch lãi suất khi vay tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm kể từ ngày giải ngân. “Trong tình hình hiện nay, có nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn khi bắt đầu triển khai dự án, nhưng nếu dự án đầu tư nằm trong vùng không tranh chấp, khu, cụm đã quy hoạch thì chỉ một số ngày là các thủ tục, hồ sơ của dự án sẽ được chúng tôi cấp phép nhanh gọn”, ông Trung nhấn mạnh.

ĐOÀN KIÊN
sggp.org.vn

BÌNH LUẬN