“Rào cản” giữa ngân hàng với hợp tác xã, tổ hợp tác

0
1077

Măc dù đã có những “can thiệp” tích cực từ phía nhà nước, Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhưng thực trạng nhiều hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) “gõ cửa” ngân hàng vay vốn nhưng bị khước từ vẫn đang diễn ra khá phổ biến.

Nếu như đầu năm 2015, tỷ lệ dư nợ tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho vay đối với HTX, THT chỉ chiếm hơn 0,5% tổng dư nợ thì đến đầu năm 2016, con số này đã nhích lên khoảng 0,75% và đến nay là hơn 1%. Từ đây cho thấy, mặc dù tỷ lệ vốn vay dành cho loại hình kinh tế tập thể tuy đang có sự tăng trưởng theo chiều hướng tích cực song vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn thực tế của các HTX, THT để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là một trong những bức xúc được các giám đốc HTX liên tục “đăng đàn” tại các cuộc họp, gặp gỡ doanh nghiệp của UBND tỉnh thời gian qua.

Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á Đắk Nông: Triển khai có hiệu quả dịch vụ ngân hàng điện tử

Theo các HTX, mặc dù hiện nay, nhà nước có những chính sách, quy định cụ thể, thiết thực trong vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, vay vốn đối với các mô hình kinh tế tập thể nhưng khi đi vào triển khai, thực hiện lại rất khó tiếp cận.

Chỉ đơn cử, theo quy định tại Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các HTX, THT có thể được tiếp cận nguồn vốn với mức tối đa 500 triệu đồng mà không cần tài sản thế chấp. Quy định là vậy, nhưng khi tiếp cận vốn, các ngân hàng đều yêu cầu bên vay phải có tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh.

Các ngân hàng lý giải, bản thân họ cũng là các doanh nghiệp, hoạt động theo quy định của hệ thống ngân hàng và các quy định ràng buộc khác. Chính phủ lại không quy định đơn vị nào bảo lãnh rủi ro nên buộc các ngân hàng phải cầm “đằng chuôi” bằng việc yêu cầu điều kiện thế chấp tài sản.

Cũng có trường hợp, phía ngân hàng không yêu cầu thế chấp nhưng buộc các HTX, THT phải có phương án kinh doanh khả thi, làm ăn uy tín, không có nợ xấu… Trong khi, phần lớn các HTX nông nghiệp đều giao khoán đất đai cho xã viên trực tiếp quản lý, sử dụng, còn HTX chỉ có rất ít tư liệu sản xuất, hoạt động dịch vụ cũng hạn chế nên nếu ngân hàng cho vay sẽ tự tạo rủi ro cho mình.

Theo các hợp tác xã, ngoài những “rào cản cứng” thì các ngân hàng hiện nay vẫn chưa thực sự mặn mà với khách hàng là HTX, THT. Từ đây, họ đưa ra nhiều “rào cản mềm” khiến HTX rất khó tiếp cận vốn. Có trường hợp, HTX đưa 2 bìa “đỏ” đất thế chấp để vay vốn. Sau khi thẩm định, ngân hàng chỉ duyệt cho vay chưa được 2 tỷ đồng. Trong khi đó, cũng với giấy tờ này, HTX mang lên ngân hàng ở tỉnh Đắk Lắk lại vay được 12 tỷ đồng?.

Từ đây cho thấy, xóa bỏ “rào cản”, gia tăng niềm tin từ phía ngân hàng với các HTX, THT đang là vấn đề cần được thực hiện. Để làm được điều này, bản thân các HTX, THT trên địa bàn tỉnh phải xây dựng được uy tín, thương hiệu, tính ổn định, bền vững cao bằng phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Các ngân hàng cũng không thể “cào bằng” khi thẩm định phương án bởi thực tế, hiện có khá nhiều HTX, THT làm ăn hiệu quả nhưng cơ hội tiếp cận vốn vay khó nên gặp bế tắc, bỏ lỡ cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Đức Diệu
Báo Đắk Nông

BÌNH LUẬN